Cưỡi ngựa Con ngựa trong văn hóa Mông Cổ

Bài chi tiết: Môn cưỡi ngựa
Một kỵ mã Mông Cổ đang cưỡi ngựa trên thảo nguyên bao la

Người Mông Cổ từ xa xư vốn nổi tiếng về tài cưỡi ngựa-bắn cung, trong lịch sử, vó ngựa và cánh cung của họ từng là bá chủ thế giới, tài cưỡi ngựa điêu luyện của kỵ binh Mông Cổ từng là vô địch thiên hạ. Cưỡi ngựa có vai trò đặc biệt trung tâm trong văn hoá Mông Cổ và quy tụ sự đại đoàn kết của dân tộc, sự điêu luyện trong thuật cưỡi ngựa của người Mông Cổ với danh xưng là Mã thuật Mông Cổ (phong cách cưỡi ngựa kiểu Mông Cổ). Những cuộc đua đường trường được thực hiện trong các lễ hội Naadam là một trong những khía cạnh của nó, bởi sự phổ biến của kỹ thuật đua ngựa. Một ví dụ về kỹ thuật đua ngựa là truyền thuyết rằng anh hùng quân sự Mông Cổ Damdin Sükhbaatar đã rải những đồng xu trên mặt đất và sau đó nhặt chúng lên trên lưng một chú ngựa phi nước đại.

Người Mông Cổ sở hữu phong cách cưỡi ngựa cũng không giống người phương Tây. Họ cầm cương chỉ bằng một tay và bàn đạp yên ngựa ngắn hơn, một số kỹ thuật, chiến thuật huấn luyện hay cưỡi ngựa cũng rất khác. Một nhà nghiên cứu phương Tây là Elizabeth Kendall, người đã đi qua Mông Cổ vào năm 1911, đã quan sát: "Để đánh giá về người Mông Cổ, bạn phải nhìn thấy anh ta trên lưng ngựa, thực sự bạn hiếm khi nhìn thấy anh ta đi bộ, vì anh ta không đặt chân xuống đất. Con ngựa của anh ta chỉ cao bằng một nửa người Mông Cổ, nhưng với con ngựa của anh ta thì tốt như hai người đàn ông. Thật là một cảnh tượng đẹp khi thấy anh ta cưỡi ngựa phi xé gió trên thảo nguyên, băng qua những rặng đồi với dây cương buông thõng, giống như cao bồi phương Tây, nhưng ít rườn người hơn và không cần yên ngựa".

Trong lịch sử, người Mông Cổ cưỡi ngựa thì họ phi ngựa như bay không cần cầm cương, hai tay đều rảnh để cầm vũ khí. Khi ngựa đang phi họ có thể nhảy xuống đất chạy theo, rồi nhảy trở lại lên lưng như trò xiếc, họ còn có thể cỡi suốt 15 giờ liền, mỗi ngày đi được khoảng 75 cây số. Họ rong ruổi đây đó, hoặc theo bầy súc vật hoặc đuổi thú rừng. Ngựa đua được huấn luyện với phương pháp đặc biệt, truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi nhóm ở mỗi địa phương có bí quyết huấn luyện ngựa riêng. Khác với các nước phương Tây, người Mông Cổ cầm dây cương ngựa bằng một tay, và dùng những bàn đạp nhỏ hơn, họ có thể nhoài người, rạp người, khom người, rướn người, xoay người, ngã người khi đang cưỡi ngựa một cách điêu luyện và thuần thục.

Bằng cách dành nhiều thời gian chăm chỉ luyện tập, người Mông Cổ có khả năng cưỡi ngựa điệu nghệ và chiến đấu ngay trên lưng ngựa. Họ có thể giữ cân bằng rất tốt mà không cần phải dùng đến tay ngay cả khi con ngựa xoay chuyển hay người cưỡi dịch chuyển để tấn công kẻ địch. Những kỵ binh Mông Cổ có thể dùng tay để bắn tên theo bất kỳ hướng nào ngay trên lưng ngựa với độ chính xác rất cao, họ có thể nhoài người bắn tên về phía trước, ôm ngựa để nhặt đồng xu, kỹ thuật điêu luyện, thuần thục. Bên cạnh đó thì kỹ năng bắn cung của những chiến binh hoàn toàn có thể nhắm trúng mục tiêu khi đang phi ngựa, có thể bắn tên theo bất kỳ hướng nào, bắn được nhiều mục tiêu cùng một lúc ngay trên lưng ngựa ở khoảng cách xa, ngay cả sau lưng, nổi bật là tiết mục “Hồi mã cung” (xoay người bắn ngược) được xem là đặc sản của các chiến sĩ Mông Cổ.

Trẻ em Mông Cổ cưỡi ngựa điêu luyện

Sức mạnh của đại quân Mông Cổ là bắt nguồn từ một phát minh, cải tiến kỹ thuật quân sự hết sức đơn giản, đó chính là chiếc bàn đạp yên ngựa, vật dụng nhỏ bé này lại mang lại lợi ích rất lớn cho bất kỳ chiến binh, kỵ binh nào sử dụng chúng giúp ổn định trọng tâm, có điểm tựa để giữ thăng bằng. Người Mông Cổ đứng trên bàn đạp yên ngựa, với phần lớn trọng lượng cơ thể được dồn vào bắp chân, trong khi chỉ dồn một phần nhỏ lực xuống bàn chân và mắt cá chân. Chiếc bàn đạp giúp những người lính Mông Cổ có thể ngồi thẳng, vững trọng tâm trên lưng ngựa ở cả trong các tình huống hỗn loạn nhất.

Chúng được treo vào yên ngựa làm bằng gỗ, cao nổi lên ở phía trước và sau. Dù chỉ là những chiếc bàn đạp thô sơ nhất như cái có dạng vòng da thì cũng giúp ích nhiều cho các chiến binh có thể ngồi trên lưng ngựa vững chắc và chiến đấu trên quãng đường dài hơn. Chiếc bàn đạp yên ngựa giúp người Mông Cổ chiến đấu điệu nghệ và bắn tên chính xác ngay trên lưng ngựa, đây là một vật dụng tuyệt vời giúp người Mông Cổ có thể ngồi vững và linh hoạt trong chiến đấu. Bàn đạp rộng phải thoải mái nhưng cũng cần chắc chắn vì người Mông Cổ đã sử dụng vật liệu nhỏ này để cưỡi ngựa một cách hết sức điêu luyện, giúp ích rất nhiều trong quá trình chiến đấu và thực hiện các cuộc chinh phạt.

Ở Mông Cổ, người ta vẫn còn duy trì nét văn hóa cưỡi ngựa, bắn cung và điều khiển đại bàng. Mông Cổ là đất nước mà ngựa là trung tâm trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ em Mông Cổ học cưỡi ngựa ngay khi biết đi từ năm 3 tuổi, gần như cùng thời điểm với lúc chúng tập đi chập chững những bước đầu tiên và cho đến nay, người Mông Cổ vẫn đứng đầu thế giới về khả năng cưỡi ngựa. Khi lên ba, một đứa trẻ đã được mẹ dạy cưỡi ngựa bằng cách buộc nó lên lưng ngựa. Độ một năm sau, nó có được chiếc cung tên đầu tiên. Nó có thể đi liên tiếp mười ngày không một bữa ăn, chỉ sống bằng sữa khô hay sữa lên men cùng với thịt bò hay thịt cừu. Nếu cần nó có thể rạch một mạch máu ngay trên cổ con ngựa đang cưỡi để hút máu.

Trẻ con thường xuyên tham gia vào các cuộc đua ngựa. Đua ngựa ở Mông Cổ hiện là nghệ thuật dân gian thu hút sự quan tâm không những của người nước này mà còn hàng nghìn khách du lịch quốc tế qua Lễ hội Naadam hàng năm. Người cầm cương là các cô bé, cậu bé 5-12 tuổi. Có 6 nội dung đua, tùy thuộc vào độ tuổi của ngựa, từ 1 (Daaga)-5 tuổi (Ih Nas). Mỗi lần đua có gần 500 con ngựa, thậm chí có lần 1.000 con cùng đua. Các trẻ em sống trên vùng thảo nguyên vào khoảng 14-15 tuổi sẽ được những người đàn ông lớn tuổi hơn trong gia đình truyền lại cách điều khiển ngựa và tập cách bắn cung, những trẻ em Mông Cổ được cho cưỡi ngụa từ tấm bé. Từ đó sau khi trưởng thành, những trẻ em này chính là các kỵ mã điêu luyện kế tục sự nghiệp cưỡi ngựa, chăn thả của cha ông chúng qua nhiều thế hệ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Con ngựa trong văn hóa Mông Cổ http://www.bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi... http://www.baoquangninh.com.vn/du-lich/201406/van-... http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van... http://danviet.vn/khoa-hoc/nhung-noi-ngua-noi-tien... http://vov.vn/du-lich/mong-co-chua-doi-got-da-mo-n... http://vtc.vn/ngua-mong-co-co-gi-dac-biet.200.4742... http://www.vtc.vn/ngua-mong-co-co-gi-dac-biet-d145... http://news.zing.vn/Hinh-anh-ngua-phi-tuyet-dep-tr... https://thanhnien.vn/thoi-su/phi-ngua-tren-thao-ng... https://tuoitre.vn/qua-di-my-cua-tong-thong-mong-c...